Quấn KHĂN, quấn Ủ TAY cho trẻ không chỉ là phương pháp dân gian truyền miệng ở Việt Nam. Tại các quốc gia khác cũng như nhiều chuyên gia trên thế giới đều tin rằng việc quấn trẻ khi ngủ mang lại rất nhiều lợi ích cho trẻ sơ sinh.
Những lợi ích của việc quấn trẻ sơ sinh khi ngủ
Trẻ ít khóc hơn
Trẻ sơ sinh đã quen với việc nằm trong bụng mẹ gò bó và có phần chật chội. Quấn trẻ sơ sinh giúp bé làm quen dần với thế giới bên ngoài. Với các bé dưới 8 tuần tuổi, các nghiên cứu đã chứng minh quấn khăn có thể làm giảm 42% nguy cơ quấy khóc của trẻ.
Giúp trẻ ít bị giật mình
Phản xạ tự nhiên Moro xuất hiện khi trẻ giật mình khiến trẻ sơ sinh ngủ không sâu giấc vì âm thanh lớn hoặc xảy ra chuyển động mạnh. Để phản ứng lại, trẻ có thể duỗi thẳng, vung tay và chân ra khỏi người, quấy khóc. Sau đó, trẻ co tay lại như đang ôm lấy mình. Phản xạ Moro thường kéo dài đến khi trẻ được tầm 5 - 6 tháng tuổi.
Giật mình là một phản xạ tự nhiên của con người. Tuy nhiên tình trạng này diễn ra thường xuyên hơn ở trẻ sơ sinh gây ảnh hưởng đến giấc ngủ của trẻ. Quấn trẻ bằng khăn sẽ hạn chế được sự vận động giúp trẻ ít giật mình hơn.
Giữ ấm cho bé
Khi ở trong bụng, thân nhiệt của trẻ luôn cao hơn của mẹ khoảng 0.5 – 1 độ. Sau khi ra đời, nhiệt độ môi trường đột ngột thay đổi, giảm xuống thấp hơn so với trong bụng mẹ sẽ khiến bé bị lạnh. Việc quấn trẻ sơ sinh khi ngủ sẽ đảm bảo bé được giữ ấm và không bị sốc nhiệt.
Giúp bé ngủ ngon hơn
Một giấc ngủ tốt và sâu sẽ giúp ích cho sự phát triển của trẻ sơ sinh cả về thể lực và tinh thần của trẻ. Việc quấn trẻ sơ sinh khi ngủ sẽ khiến cho trẻ cảm thấy an toàn như đang ở trong bụng mẹ. Nhờ cảm giác quen thuộc đó trẻ sẽ yên tâm hơn và ngủ ngon giấc hơn.
Giảm nguy cơ đột tử
Việc quấn trẻ khi ngủ giúp bé giữ tư thế nằm ngửa và làm giảm nguy cơ đột tử ở trẻ sơ sinh do bị lật sấp. Ngoài ra, quấn trẻ sơ sinh còn giúp tránh việc bé tự cào mặt và mắt mình.
Với những lợi ích tuyệt vời kể trên, có thể khẳng định quấn trẻ sơ sinh khi ngủ là điều cần thiết (nhất là với trẻ dưới 3 tháng tuổi). Đồng thời giúp bé khỏe mạnh, phát triển hệ thần kinh cho trẻ tốt nhất.
Quấn trẻ sơ sinh khi ngủ còn giúp giảm nguy cơ đột tử
Trẻ sơ sinh có nên quấn chặt khi ngủ?
Việc quấn bé sơ sinh quá chặt hoặc quá thường xuyên có thể gây ra những tác hại sau:
- Quấn khăn quá chặt sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới hô hấp khiến trẻ thở khó khăn hơn. Lâu dần tăng nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến hô hấp, đặc biệt là viêm phổi.
- Quấn khăn quá chặt và thường xuyên có thể làm tăng nhiệt độ cơ thể khiến trẻ bức bối, khó chịu, tiết nhiều mồ hôi. Nếu không lau kịp thời mồ hôi sẽ thấm ngược lại vào cơ thể. Do đó bé dễ bị cảm lạnh hơn bình thường.
- Với trẻ sơ sinh, xương còn rất mềm, nếu mẹ quấn quá chặt sẽ làm mạch máu khó lưu thông và ảnh hưởng đến xương của bé.
Do đó, để tránh các nguy cơ gây hại không đáng có kể trên, các mẹ lưu ý không nên quấn trẻ sơ sinh quá chật hoặc quá thường xuyên. Đồng thời thường xuyên kiểm tra xem bé có bị nóng và ra nhiều mồ hôi hay không. Bạn cũng nên chú ý nhiệt độ cơ thể bé để có biện pháp xử lý kịp thời.
Quấn trẻ sơ sinh khi ngủ đúng cách
Nên thực hiện quấn đúng cách để tránh ảnh hưởng đến cơ thể trẻ
Lưu ý khi quấn trẻ sơ sinh trong lúc ngủ
Khi quấn trẻ ngủ, phụ huynh cần lưu ý những điều sau để tránh ảnh hưởng ngược lại đến sức khỏe của bé:
- Tùy vào mục đích sử dụng có thể chọn khăn quấn phần thân trên hoặc cả người. Chọn loại khăn mềm, an toàn với làn da của trẻ, co giãn và thấm hút mồ hôi tốt, kích thước phù hợp với trẻ. Không nên chọn khăn quá lớn và quá dày.
- Hiện nay trên thị trường có nhiều loại quấn ủ cho bé như: Chăn choàng ủ, túi ủ kén, nếu ba mẹ chỉ muốn quấn tay và giữ ấm vùng bụng bé thì có thể tham khảo mẫu ủ quấn tay chống giật mình
- Thời điểm quấn trẻ sơ sinh cũng vô cùng quan trọng. Không nên quấn trẻ thường xuyên 24/24, chỉ nên quấn bé trong lúc ngủ. Để nhiệt độ phòng khoảng 24 - 26 độ C là vừa phải.
- Chú ý quấn vừa đủ đừng rộng quá cũng không nên chặt quá, phần chân hơi nới lỏng để bé có thể cử động được. Khi quấn trẻ sơ sinh cũng không được quấn quá cao lên phần đầu và cổ của bé.
- Thường xuyên quan sát, kiểm tra tình trạng khăn cũng như thân nhiệt trẻ trong khi ngủ để tránh những nguy cơ xấu có thể xảy ra.
- Khăn dùng quấn trẻ phải thay đổi và giặt giũ thường xuyên để tránh vi khuẩn phát triển, dễ gây bệnh cho cơ thể non nớt, yếu ớt do sức đề kháng kém ở bé.
- Khi thời tiết nóng thì không nên quấn trẻ, vì có thể khiến trẻ nóng nực, toát mồ hôi, gây nên cảm lạnh,viêm phổi.
- Nếu trẻ không thích ứng với việc quấn khăn thì nên để trẻ ngủ thoải mái vì có nhiều trẻ sẽ thấy khó chịu và quấy khóc mất ngủ khi bị gò bó quá mức.
- Khi trẻ cứng cáp hơn thì hãy để trẻ ngủ thoải mái, giảm dần việc quấn khăn và ngừng hẳn. Trước tiên hãy để một tay của trẻ ra trước, sau đó đến cả hai tay, rồi toàn thân để trẻ quen dần với môi trường xung quanh.
Thường xuyên quan sát và kiểm tra thân nhiệt của trẻ trong khi quấn
Qua bài viết này chắc hẳn bạn có câu trả lời cho thắc mắc có nên quấn trẻ sơ sinh khi ngủ hay không? Bố mẹ cũng nên quan sát và lựa chọn thời điểm quấn khăn phù hợp với tính cách và nhu cầu của trẻ để có thể chăm sóc bé yêu khỏe mạnh, khoa học hơn.
Minh QA
Nguồn: Tổng hợp